Trai nước Nam làm gì?

 

img_3885

Cuốn sách 10 chương viết năm 1943, trong tình cảnh nước Việt Nam một cổ hai tròng Pháp – Nhật. Đặt vào bối cảnh lịch sử ấy, cuốn sách có thể được coi là ấn phẩm tuyên truyền cách mạng, dấy lên phong trào yêu nước của thanh niên, đặc biệt hưởng tới nam thanh niên. Các cụm từ phổ biến như “Lập chí ngay mà làm việc cho tổ quốc”, “chung vai mà gánh vác trách nhiệm”, “xông tên đạn trên chiến trường”, “dựng cờ vàng”, “mười lăm tuổi lấy việc không được đầu quân làm xấu hổ”, “sợ gì một cái chết” và tương tự xuyên suốt tác phẩm.

 

Tác giả là đại diện cho tầng lớp trí thức Nho giáo và cải cách giáo dục thời bấy giờ, và có quan điểm cứng rắn về Nho giáo. Trước tình trạng Nho giáo dần thất thế và không còn “thiêng”, cùng sự thâm nhập ngày càng sâu của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản và tiêu dùng, Hoàng Đạo Thúy muốn dấy lên tinh thần ái Nho thông qua bàn luận về các vấn đề gia đình, làng xóm, quốc gia, dân tộc. Tác giả cho rằng Nho giáo có thẻ mang lại hòa bình thật cho xã hội, phải “trọn đạo làm người, giúp được cho đời”. Cuốn sách chứa nhiều tư tưởng lỗi thời và bảo thủ, nhưng cũng không thiếu những tư tưởng rất tiến bộ và đi trước thời đại. Một cái hay khác đó chính là nói thẳng, nói rành mạch.

Về góc độ kinh tế, tác giả chỉ ra bất cập, điểm yếu của chủ nghĩa tư bản: “Dùng không hết, nó ùn lại, nó ứ tắc. […] Nhiều gạo quá phải đổ bớt xuống bể, hàng nhiều quá phải thiêu bớt đi. Bên này thiêu, đổ đi, bên kia vẫn có kẻ đói, chết, kẻ túng thiếu.” Đây là những căn bệnh kinh niên của tư bản, nhưng tác giả khi viết cuốn sách cũng còn hạn chế góc nhìn, đánh bóng những gì thuộc thể tập thể, làng xã, và coi nhà giàu là “có tội với xã hội”, đầy tớ “là nô lệ của nhà giàu”. Điều này là dễ hiểu trong bối cảnh khác biệt gia cấp lên đỉnh điểm, nhưng chưa tiên đoán và chứng kiến những hậu quả khủng khiếp của kinh tế tập trung, chuyên quyền, cộng sản đem lại sau cách mạng. Mặt khác, tác giả không bàn đến một ý quan trọng: những tư tưởng Nho giáo hà khắc cũng là một nguyên nhân khiến con người ta cảm thấy được giải phóng khi làn sóng tư bản, văn hóa thể hiện cá nhân tràn đến.

Về tư tưởng và xã hội, tác giả coi đạo nho là “một tôn giáo hợp với lòng trời, hợp với bụng người. Không trái với khoa học, vừa hợp được trí khôn vừa hợp tâm lý, đủ cả ý nghĩa bền vững.” Hồ Xuân Hương chắc hẳn sẽ rất muốn bàn về luận điểm này vì Hoàng Đạo Thúy đã khéo không nhắc đến việc Nho giáo cổ xúy “Gái trong khung cửi, trai ngoài bút nghiên”, vợ là “người giúp thờ phụng tổ tiên, hầu hạ mẹ cha, sinh con đẻ cái”, chồng là “phu chúa của vợ”, và những định kiến về nghề như “xướng ca vô loài”, “con hát chỉ là một cái chơi”. Trên tất cả, Nho gia là vợ phải im lặng ngay cả khi chồng sai trái, không được ghen hay oán giận ngay cả khi chồng chung chăn với người khác, và chồng có quyền “dạy đức hạnh cho vợ”. Ở xã hội Việt Nam ngày nay ta còn thấy những tư tưởng này khá nặng nề tùy vào vùng miền, nhưng ta cũng thấy sự thay đổi đáng kể khi trong nhiều gia đình, người vợ đã chủ trì từ làm ăn, nội trợ, cho đến quản lí tài chính – chi tiêu.

Mặc dù cũng kêu gọi tôn trọng người phụ nữ “như là mẹ ta”, nhưng tác giả chưa nhìn ra (hoặc biết nhưng không muốn chỉ ra) những bất cập và gánh nặng của thể chế đó lên người phụ nữ và các tầng lớp thấp cổ bé họng trong xã hội. Đối với ông, việc học một ngành nhưng làm trái nghề là chuyện hổ thẹn và đáng buồn, nhưng ở thời đại ngày nay, ta nên nghĩ rằng đó là một giai đoạn quan trọng để thanh niên tôi luyện và rèn tính cách. Không phải ngẫu nhiên khi đọc tác phẩm ta thấy rất nhiều cụm từ “mục đích cao xa”, “cái đích xa xôi” lặp đi lặp lại.

Tuy nhiên, Hoàng Đạo Thúy tham gia các phong trào cứu tế xã hội và cũng có những tư tưởng tiến bộ, thậm chí ông có thể là một người tiên phong cho trong trào tự lực cánh sinh.

Ông mạnh mẽ, thẳng thắn chỉ trích đánh bạc, nghiện rượu, nghiện thuộc phiện, và chuyện chơi gái, việc du học mà chỉ xa hoa, ăn chơi, làm tôi tớ của tiền bạc, hàng hóa, trang sức. Tiền không mua được học vấn đích thực, tiền cũng “không làm người ta tin ở mục đích cao thượng”. Rồi thì “giờ An Nam” kiểu giờ cao su khiến công việc mất hiệu quả; việc làm cẩu thả, thiếu chính xác cũng ảnh hưởng đến năng suất.

Theo ông, đọc sách thì “óc được mở”, tập võ thì “người được khỏe mạnh”, ý nhấn mạnh việc trau dồi kiến thức phải song song với rèn luyện thể lực. Tự chủ, tự lập rèn luyện sức khỏe vì có chí phải nhất định đi đôi với có sức khỏe. Ngay cả ngày nay, khi đọc lại những dòng này ta cũng phải ngẫm nghĩ một lúc, rằng người xưa đúng là ăn-ngủ-sinh hoạt cũng rất khoa học và có điều độ:

“Ngủ nhiều mộng mị tốn tinh lực. Đệm êm làm hư người; ăn nhiều thịt cá lắm chất độc, phí tiền, hại dạ dày. Ăn ra quả nhiều thải độc, khỏe người. Ăn ít nhưng nhai kĩ, ngay cả với cháo; ăn đúng giờ”.

Về nền giáo dục nói chung, Hoàng Đạo Thúy chỉ ra căn bệnh chạy theo mốt; căn bệnh “sản xuất ồ ạt, vội vàng”, “lấy một tờ bằng cấp, một cái địa vị làm mục đích”; căn bệnh sản xuất thừa thầy, thiếu thợ.

Những tư tưởng về giáo dục con trẻ cũng rất tiến bộ: cẩn thận săn sóc con từ trong thai;  cha mẹ phải làm gương tốt cho con, nhưng đôi khi con cái chính là “người thày dạy mình”; cha mẹ yêu thương con, dạy con tự lập và biết nhận trách nhiệm.

Tinh thần của cuốn sách dường như nằm trong câu nói “Một đời dài mà chưa từng sống thì cũng như đã chết từ khi chưa sống. Sống một đời dài mà không có mục đích, chỉ tiêu tốn thời gian vào các cuộc chơi thì quả thật đáng thương.” Đây như một câu nói cảnh tỉnh cho người trẻ nói riêng và tất cả mọi người nói chung. Liệu chúng ta đã và đang thật sự sống một cuộc sống có mục đích, có ý nghĩa.

Cuốn sách đôi lúc khiến ta nghĩ đến một cuốn cẩm nang những điều răn dạy của một đạo sĩ. Tạm gác lại những dụng ý về chính trị của cuốn sách ra đời năm 1943, Trai nước Nam làm gì? như tiêu đề đã nói có rất nhiều lý tưởng và suy ngẫm sâu sắc của một học giả lớn của Việt Nam mà cả nam và nữ đều có thể và nên đọc, suy ngẫm, không phải để áp đặt những khuôn hình ý tưởng đó vào đời sống hiện đại, mà có suy xét và lựa chọn xem có phù hợp với bản thân, gia đình, và cộng đồng mình chung sống hay không.