Featured

“Bầy Thú Thủy Tinh”: Bi Kịch Của Nước Mỹ hay Tiếng Nói Của Thời Đại Chúng Ta?

IMG_1138.JPG

Tuổi trẻ có không ít những khủng hoảng khiến ta muốn tìm cho mình một lối thoát, một câu trả lời. Với tôi thì đọc sách chính là thế giới để đi tìm lời giải đáp.

Thời học đại học, vở kịch mà tôi ấn tượng nhất không phải là của văn hào Shakespeare, mà lại là một vở kịch hiện thực của Tennessee Williams người Mỹ. Khi ấy tôi chưa có nhiều bạn bè người Mỹ, cũng chỉ nghe thoảng về Giấc Mơ Mỹ, và rằng người Mỹ là những người giỏi kinh doanh nhưng rất khô khan và nông cạn. Ba tác phẩm vĩ đại nhất của Williams là “Bầy thú thủy tinh”(1944), “Chuyến tàu mang tên Dục Vọng”(1947), “Mèo trên mái tôn nóng” (1955), đã làm thay đổi cách nhìn nhận của tôi về nước Mỹ, người Mỹ.

Nếu văn học Lãng Mạn có thiên hướng xoay mình khỏi đời sống, tìm về với văn hóa dân gian, với thiên nhiên hoặc thậm chí siêu nhiên, với người anh hùng và những lý tưởng cao cả, thì văn học Hiện Thực là liều thuốc giải mộng, đi tìm những ngõ ngách đời trần, sự sinh tồn khắc nghiệt, đa phần là ở đô thị. Chủ nghĩa hiện thực miêu tả những quan hệ gia đình, xã hội, đời sống nội tâm phức tạp, những tủn mủn của cuộc sống mà khiến người đọc người xem nhanh chóng cảm nhận được.

Cả ba vở kịch của Williams đều mang đậm chất hiện thực và màu sắc tự truyện. Chính tác giả đã từng nói, “Tôi viết từ những đấu tranh nội tâm của mình. Đó như là hình thức trị liệu vậy.”

Thomas Lanier Williams sinh ra ở bang Mississippi, miền nam nước Mỹ, trưởng thành trong thời kì Đại Suy Thoái những năm 1930 của thế kỉ 20. Tuổi thơ của ông gắn liền với những kí ức về mẹ, chị gái, và một người bố làm ở một nhà máy đóng giầy. Đó là một tuổi thơ không bình yên, phải liên tục cùng gia đình tha phương cầu thực; một ông bố nát rượu; một người mẹ tê liệt trong cuộc hôn nhân bất hạnh; một người chị thu mình khỏi thế giới bên ngoài sau những nỗ lực không thành cho sự nghiệp viết lách. Từ khi còn niên thiếu, Tennessee Williams đã có hoài bão trở thành nhà văn, và thực sự một số truyện ngắn của ông đã giành giải cao và được in báo. Nhưng chỉ sau ba năm học ở đại học bang Missouri, Williams đã phải bỏ học, dành ba năm làm việc cho một nhà máy giầy ở St. Louis. Những trải nghiệm đầu đời này đã truyền cảm hứng cho tác phẩm “Bầy thú thủy tinh” của ông sau này, khi mà nhân vật chính, Tom Wingfield, cũng khát khao hành trình theo đuổi giấc mơ, nhưng đôi cánh tự do của anh lại bị trói chặt ở nhà máy đóng giày.

Tom Wingfield có hoài bão lớn, yêu thơ ca, nhưng bản thân anh hàng ngày phải chống chọi với hiện thực nhàm chán và thực dụng ở nhà máy giày. Cha của anh cũng giống như nhiều người đàn ông Mỹ của thế hệ những năm 30 – 40, họ làm tiếp thị hoặc viễn thông, đi hàng ngàn cây số và bỏ lại gia đình phía sau. Mẹ của anh, bà Amanda Wingfield từng là hoa khôi của miền nam nước Mỹ, nay đã thất thời, tuyệt vọng, thu mình vào thế giới ảo tưởng và thường đay nghiến các con của mình. Chị gái của Tom là Laura, một cô gái tập tễnh vì bệnh bại liệt, mặc cảm vì đã bỏ học cấp ba và cũng bỏ trường dạy nghề thư kí. Ba mẹ con sống trong căn hộ dột nát và ảm đạm ở một góc của thành phố St. Louis.

Bi kịch của gia đình Wingfield, có lẽ cũng là bi kịch của nước Mỹ hay của thời đại chúng ta. Mỗi người đều muốn những gì tốt đẹp nhất cho người thân yêu, nhưng không nhận ra rằng những tham vọng và kì vọng đó đang bóp nghẹt chính những người thân yêu của mình, để rồi mỗi người lại lặng thinh, thu mình vào thế giới của riêng mình. Với Tom, thế giới đó là hàng đêm rượu chè với bè bạn và đi xem phim, dù biết rằng đó chỉ là trốn chạy tạm thời. Với bà Amanda, đó là dĩ vãng về những cuộc tình lãng mạn, ảo ảnh về quá khứ xuân thì. Với Laura chị gái của Tom, đó là thế giới của những bản nhạc cũ và bầy thú thủy tinh, nơi Laura gắng gượng từ chối người mẹ luôn nài nỉ tìm cho cô một ý chung nhân.

Là kịch hiện đại nhưng mang màu sắc biểu cảm cao, với những nhân vật và tiểu cảnh như đặt trong cõi mơ. Ngôn ngữ kịch của Williams đậm chất thơ, uyển chuyển, mãnh liệt, nhưng cũng rất đời thường bởi sử dụng phương ngữ miền nam. Khi đọc tác phẩm và những chỉ dẫn về sân khấu của Tennessee Williams, tôi như được bước vào thế giới của chính những nhân vật. Đa phần họ là những kẻ ngoại đạo bị xô đẩy ra ngoài rìa xã hội, đã trắng tay vì thời thế suy chuyển, phải vật lộn với cuộc sống rối ren đầy những tiểu xảo giả dối. Họ không hoàn toàn xấu, nhưng cũng không hoàn toàn chân thiện, trong họ là cả thế giới nội tâm phức tạp và sâu sắc. Laura có tâm hồn trong sáng và nhạy cảm, nhưng cô quá yếu đuối trước người mẹ quyết đoán; cô đánh cược hết hy vọng và trái tim mình vào một chàng trai, bạn của Tom, để rồi lại tan nát trái tim khi chàng trai đó từ chối tình cảm của mình; khi ấy Laura lại thu mình vào thế giới của bộ đồ chơi thủy tinh và không thể thoát ra được. Tom Wingfield cuối cùng đã dứt áo ra đi, không bao giờ gặp lại mẹ và chị gái của anh nữa. Có thể anh là một kẻ ích kỉ, đi theo dấu chân của cha mình, theo đuổi những lý tưởng của mình, nhưng nếu ở lại thì anh cũng sẽ tự hủy hoại mình. Có lẽ anh đã cứu rỗi được bản thân, nhưng mặc cảm tội lỗi và dáng hình yêu dấu của chị gái đã theo anh suốt cuộc đời, để rồi vở kịch “Bầy thú thủy tinh” mở đầu và kết thúc cũng chính bằng những lời rãi bày ám ảnh của Tom.

Trong “Bầy thú thủy tinh”, những cuộc đối thoại giữa các nhân vật làm nên sức sống vĩnh cửu của tác phẩm. Chúng không rao giảng triết lí đơn thuần, mà đặt ra những câu hỏi rất con người về ý nghĩa của cuộc sống, về vực sâu ngăn cách giữa khát vọng và thực tại, về sự đối nghịch giữa tình yêu, trách nhiệm và hoài bão cá nhân.

[…]

TOM:  Chuyện gì thế mẹ?

AMANDA:  Laura!

TOM:   Ôi! … lại là Laura…

AMANDA:   Con biết Laura mà. Nó ít nói – nhưng mà sông càng sâu càng tĩnh! Nó biết quan sát đấy – mẹ nghĩ là nó u sầu suy nghĩ về mọi thứ. Mấy hôm trước mẹ bước vào, thấy nó đang khóc.

TOM:  Khóc về cái gì chứ?

AMANDA:  Về con.

TOM:  Con ư?

AMANDA:   Nó nghĩ là con không hạnh phúc ở cái nhà này.

TOM:   Sao chị ấy lại nghĩ như thế cơ chứ!?

AMANDA:   Tại sao ư? Con cư xử kì cục quá. Mẹ … Không phải mẹ mắng nhiếc, hiểu không! Mẹ biết hoài bão của con không nằm trong cái xưởng máy ấy. Mẹ biết là con cũng giống mọi người trên cái thế giới này, phải hy sinh một số thứ … Nhưng Tom – Tom – cuộc sống đâu có dễ dàng như thế! Mình phải biết chịu đựng như dũng sĩ Spartan ấy! Trong tim mẹ còn nhiều điều muốn nói . . . Mẹ chưa từng nói với con nhưng – mẹ rất thương bố con . . .

TOM:   Con biết điều ấy.

AMANDA:   Còn con –  mẹ thấy con đi theo vết xe đổ của ông ấy! Đi khuya về hôm – mà lại còn uống rượu say bí tỉ – cái bộ dạng thảm hại đó! Laura nói là con ghét căn nhà này, rằng con đi đêm chỉ để lánh xa khỏi cái nhà này! Có phải vậy không Tom?

TOM:   Không! Mẹ nói  rằng có quá nhiều nỗi niềm mẹ không thể chia sẻ với con. Con cũng vậy thôi. Có quá nhiều điều trong con mà con không thể rãi bày được. Vậy hãy trọng lẫn nh…

AMANDA:   Nhưng mà, tại sao – tại sao hả Tom? – sao con lúc nào cũng thao thức? con đi đâu – hết đêm này qua đêm khác?

TOM:   Con  … đi xem phim.

AMANDA:   Sao lại đi nhiều thế hả Tom?

TOM:  Con đi xem phim vì … con thích phiêu lưu. Phiêu lưu là thứ con chẳng tìm được trong công việc, nên con phải đi.

AMANDA:  Nhưng mà Tom, con đi nhiều quá lắm!

TOM:  Vì con thích phiêu lưu nhiều, vậy thôi.

AMANDA:   Hầu hết trai trẻ đều có cả sự nghiệp lẫn phiêu lưu mà.

TOM:  Hầu hết họ không phải làm việc trong các xưởng máy.

AMANDA:  Thế giới này có vô vàn trai trẻ làm trong nhà xưởng, nhà máy, văn phòng!

TOM: Liệu tất cả trai trẻ – họ có thực sự thấy phiêu lưu trong sự nghiệp không?

AMANDA: Có hoặc không! Không phải ai cũng điên lên vì sự phiêu lưu.

TOM: Đàn ông sinh ra có bản năng của một người tình, một kẻ thợ săn, một chiến binh – mà chẳng có bản năng nào có đất ở cái công xưởng cả!

AMANDA: “Đàn ông có bản năng!” Đừng có kêu “bản năng” ở đây với tôi! Bản năng là thứ người ta phải chối bỏ đi … nó thuộc về thú vật! Người theo Chúa, người trưởng thành … không cần mấy thứ đó!

TOM: Vậy người trưởng thành tin Chúa thì họ cần gì đây, thưa mẹ?

AMANDA: Những thứ cao siêu hơn kia! Những thứ trí tuệ và tâm linh! Chỉ có thú vật mới phải thỏa mãn những cái bản năng kia. Tham vọng của con cao hơn của bọn thú vật! Hơn là khỉ – là lợn – là. . .

TOM: … Con nghĩ không đâu mẹ ạ!

[. . .]

(Người dịch: Trần Thắng)

Vở kịch “Bầy thú thủy tinh” (1944) được ra mắt ở New York năm 1945, là bước ngoặt trong sự nghiệp của Tennessee Williams, đưa ông thành một ngôi sao sáng trong làng kịch nghệ Mỹ trong suốt hai thập kỉ sau đó.

Đã hơn 70 năm từ khi vở kịch ra đời, nhưng cái tên gia đình Wingfield vẫn đứng hiên ngang với gia đình Tyrone (kịch của Eugene O’Neill) và gia đình Loman (kịch của Arthur Miller) làm nên vị thế của ba kịch gia vĩ đại nhất văn học Mỹ.

Với tôi vở kịch vẫn còn nguyên vẹn những giá trị nhân văn, những câu hỏi mà nó đặt ra từ thuở đó còn vang xa đến thời kì hiện đại. Giá trị và niềm tin vào cuộc sống con người có còn đặt trong công việc, trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè hay không? Có chăng nó đang trở nên mong manh như những con thú thủy tinh mà Laura mơn trớn? Liệu con người chúng ta có thể vượt qua rào cản và những khác biệt để mở cánh cửa tâm hồn, để bắt đầu đối thoại và hiểu nhau hơn? Cá nhân tôi tin rằng chúng ta có thể. Chính những tác phẩm đậm chất nhân văn như của Tennessee Williams là minh chứng rõ ràng nhất.

Trai nước Nam làm gì?

 

img_3885

Cuốn sách 10 chương viết năm 1943, trong tình cảnh nước Việt Nam một cổ hai tròng Pháp – Nhật. Đặt vào bối cảnh lịch sử ấy, cuốn sách có thể được coi là ấn phẩm tuyên truyền cách mạng, dấy lên phong trào yêu nước của thanh niên, đặc biệt hưởng tới nam thanh niên. Các cụm từ phổ biến như “Lập chí ngay mà làm việc cho tổ quốc”, “chung vai mà gánh vác trách nhiệm”, “xông tên đạn trên chiến trường”, “dựng cờ vàng”, “mười lăm tuổi lấy việc không được đầu quân làm xấu hổ”, “sợ gì một cái chết” và tương tự xuyên suốt tác phẩm.

 

Tác giả là đại diện cho tầng lớp trí thức Nho giáo và cải cách giáo dục thời bấy giờ, và có quan điểm cứng rắn về Nho giáo. Trước tình trạng Nho giáo dần thất thế và không còn “thiêng”, cùng sự thâm nhập ngày càng sâu của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản và tiêu dùng, Hoàng Đạo Thúy muốn dấy lên tinh thần ái Nho thông qua bàn luận về các vấn đề gia đình, làng xóm, quốc gia, dân tộc. Tác giả cho rằng Nho giáo có thẻ mang lại hòa bình thật cho xã hội, phải “trọn đạo làm người, giúp được cho đời”. Cuốn sách chứa nhiều tư tưởng lỗi thời và bảo thủ, nhưng cũng không thiếu những tư tưởng rất tiến bộ và đi trước thời đại. Một cái hay khác đó chính là nói thẳng, nói rành mạch.

Về góc độ kinh tế, tác giả chỉ ra bất cập, điểm yếu của chủ nghĩa tư bản: “Dùng không hết, nó ùn lại, nó ứ tắc. […] Nhiều gạo quá phải đổ bớt xuống bể, hàng nhiều quá phải thiêu bớt đi. Bên này thiêu, đổ đi, bên kia vẫn có kẻ đói, chết, kẻ túng thiếu.” Đây là những căn bệnh kinh niên của tư bản, nhưng tác giả khi viết cuốn sách cũng còn hạn chế góc nhìn, đánh bóng những gì thuộc thể tập thể, làng xã, và coi nhà giàu là “có tội với xã hội”, đầy tớ “là nô lệ của nhà giàu”. Điều này là dễ hiểu trong bối cảnh khác biệt gia cấp lên đỉnh điểm, nhưng chưa tiên đoán và chứng kiến những hậu quả khủng khiếp của kinh tế tập trung, chuyên quyền, cộng sản đem lại sau cách mạng. Mặt khác, tác giả không bàn đến một ý quan trọng: những tư tưởng Nho giáo hà khắc cũng là một nguyên nhân khiến con người ta cảm thấy được giải phóng khi làn sóng tư bản, văn hóa thể hiện cá nhân tràn đến.

Về tư tưởng và xã hội, tác giả coi đạo nho là “một tôn giáo hợp với lòng trời, hợp với bụng người. Không trái với khoa học, vừa hợp được trí khôn vừa hợp tâm lý, đủ cả ý nghĩa bền vững.” Hồ Xuân Hương chắc hẳn sẽ rất muốn bàn về luận điểm này vì Hoàng Đạo Thúy đã khéo không nhắc đến việc Nho giáo cổ xúy “Gái trong khung cửi, trai ngoài bút nghiên”, vợ là “người giúp thờ phụng tổ tiên, hầu hạ mẹ cha, sinh con đẻ cái”, chồng là “phu chúa của vợ”, và những định kiến về nghề như “xướng ca vô loài”, “con hát chỉ là một cái chơi”. Trên tất cả, Nho gia là vợ phải im lặng ngay cả khi chồng sai trái, không được ghen hay oán giận ngay cả khi chồng chung chăn với người khác, và chồng có quyền “dạy đức hạnh cho vợ”. Ở xã hội Việt Nam ngày nay ta còn thấy những tư tưởng này khá nặng nề tùy vào vùng miền, nhưng ta cũng thấy sự thay đổi đáng kể khi trong nhiều gia đình, người vợ đã chủ trì từ làm ăn, nội trợ, cho đến quản lí tài chính – chi tiêu.

Mặc dù cũng kêu gọi tôn trọng người phụ nữ “như là mẹ ta”, nhưng tác giả chưa nhìn ra (hoặc biết nhưng không muốn chỉ ra) những bất cập và gánh nặng của thể chế đó lên người phụ nữ và các tầng lớp thấp cổ bé họng trong xã hội. Đối với ông, việc học một ngành nhưng làm trái nghề là chuyện hổ thẹn và đáng buồn, nhưng ở thời đại ngày nay, ta nên nghĩ rằng đó là một giai đoạn quan trọng để thanh niên tôi luyện và rèn tính cách. Không phải ngẫu nhiên khi đọc tác phẩm ta thấy rất nhiều cụm từ “mục đích cao xa”, “cái đích xa xôi” lặp đi lặp lại.

Tuy nhiên, Hoàng Đạo Thúy tham gia các phong trào cứu tế xã hội và cũng có những tư tưởng tiến bộ, thậm chí ông có thể là một người tiên phong cho trong trào tự lực cánh sinh.

Ông mạnh mẽ, thẳng thắn chỉ trích đánh bạc, nghiện rượu, nghiện thuộc phiện, và chuyện chơi gái, việc du học mà chỉ xa hoa, ăn chơi, làm tôi tớ của tiền bạc, hàng hóa, trang sức. Tiền không mua được học vấn đích thực, tiền cũng “không làm người ta tin ở mục đích cao thượng”. Rồi thì “giờ An Nam” kiểu giờ cao su khiến công việc mất hiệu quả; việc làm cẩu thả, thiếu chính xác cũng ảnh hưởng đến năng suất.

Theo ông, đọc sách thì “óc được mở”, tập võ thì “người được khỏe mạnh”, ý nhấn mạnh việc trau dồi kiến thức phải song song với rèn luyện thể lực. Tự chủ, tự lập rèn luyện sức khỏe vì có chí phải nhất định đi đôi với có sức khỏe. Ngay cả ngày nay, khi đọc lại những dòng này ta cũng phải ngẫm nghĩ một lúc, rằng người xưa đúng là ăn-ngủ-sinh hoạt cũng rất khoa học và có điều độ:

“Ngủ nhiều mộng mị tốn tinh lực. Đệm êm làm hư người; ăn nhiều thịt cá lắm chất độc, phí tiền, hại dạ dày. Ăn ra quả nhiều thải độc, khỏe người. Ăn ít nhưng nhai kĩ, ngay cả với cháo; ăn đúng giờ”.

Về nền giáo dục nói chung, Hoàng Đạo Thúy chỉ ra căn bệnh chạy theo mốt; căn bệnh “sản xuất ồ ạt, vội vàng”, “lấy một tờ bằng cấp, một cái địa vị làm mục đích”; căn bệnh sản xuất thừa thầy, thiếu thợ.

Những tư tưởng về giáo dục con trẻ cũng rất tiến bộ: cẩn thận săn sóc con từ trong thai;  cha mẹ phải làm gương tốt cho con, nhưng đôi khi con cái chính là “người thày dạy mình”; cha mẹ yêu thương con, dạy con tự lập và biết nhận trách nhiệm.

Tinh thần của cuốn sách dường như nằm trong câu nói “Một đời dài mà chưa từng sống thì cũng như đã chết từ khi chưa sống. Sống một đời dài mà không có mục đích, chỉ tiêu tốn thời gian vào các cuộc chơi thì quả thật đáng thương.” Đây như một câu nói cảnh tỉnh cho người trẻ nói riêng và tất cả mọi người nói chung. Liệu chúng ta đã và đang thật sự sống một cuộc sống có mục đích, có ý nghĩa.

Cuốn sách đôi lúc khiến ta nghĩ đến một cuốn cẩm nang những điều răn dạy của một đạo sĩ. Tạm gác lại những dụng ý về chính trị của cuốn sách ra đời năm 1943, Trai nước Nam làm gì? như tiêu đề đã nói có rất nhiều lý tưởng và suy ngẫm sâu sắc của một học giả lớn của Việt Nam mà cả nam và nữ đều có thể và nên đọc, suy ngẫm, không phải để áp đặt những khuôn hình ý tưởng đó vào đời sống hiện đại, mà có suy xét và lựa chọn xem có phù hợp với bản thân, gia đình, và cộng đồng mình chung sống hay không.